ĐỌC SÁCH
PST hân hoan giới thiệu với bạn đọc hai quyển sách hay:
– Apprenticed to a Himalayan Master - A Yogi’s Autobiography - 2010 và
– The Journey Continues - 2017
tác giả Sri Madhukarnath Ji thường được gọi là Sri M. Nếu bạn đã xem quyển Autobiography of a Yogi của Paramahansa Yogananda-1946 thì đây là sách thuộc loại tương tự, nghĩa là rất hấp dẫn, thú vị, từ đầu tới cuối. Sri M thuật lại đời mình mà chính yếu là khoảng thời gian ba năm rưỡi sống ở Himalaya với sư phụ gọi là Babaji trong hang động ở đó. PST sẽ bắt đầu cho đăng bài dịch quyển Apprenticed từ số tới, nhưng tốt nhất bạn nên tìm nguyên tác Anh văn, đọc hết một lần cho đã ! Sau đây là một đoạn trích từ quyển 2.
Thầy tôi Maheshwarnath Babaji không phải như người thông thường, và có những quyền năng mà người trung bình không hiểu được. Lúc 20 tuổi, tôi hiểu điều ấy sau hơn một năm dong ruổi với ngài trong rặng Himalaya. Càng quan sát ngài trong lúc thân cận, tôi càng thán phục sự khôn ngoan và những khả năng siêu nhân của Vị bí ẩn trong dạng người này. Bất cứ khi nào được hỏi thì ngài luôn luôn đáp:
– Không có phép lạ. Có nhiều luật thiên nhiên mà đa số người chưa biết. Khi ai rành rẽ các luật ấy và dùng chúng làm chuyện này, kia, kẻ không biết cho rằng họ đang chứng kiến phép lạ.
Nay tôi xin kể một chuyện như thế và cuộc đối thoại có ý nghĩa sâu xa sau khi việc đã rồi.
Tôi đã sống với Thầy hơn một năm. Chúng tôi ở Rishikesh, bên kia bờ sông Hằng trong một cái hang cô tịch. Khi bạn đi tới chỗ nay là Ram Jhula và băng qua sông Hằng, đường hướng về bên trái dẫn tới Laxman Jhula, còn đường bên phải sau khi đi ngang chợ và băng qua Gita Bhavan và Parmarth Niketan bên trái, tiếp tục dẫn vào rừng. Quẹo trái thì bạn đi vào rừng tới hang Mouni Baba, đi qua đó tới Neelkanth. Xa hơn nữa bên phải trên bờ sông Hằng có hai cái hang.
Vào lúc tôi nói đây, đa số ashram (đạo viện) còn nhỏ, và chợ thì chưa ồn ào, dơ bẩn như bây giờ (2010). Có rất ít cửa tiệm. Rồi mọi thứ thay đổi khi ban Beatles đến, người ta cho xây hang có máy điều hòa không khí để thiền, sau đó Rishikesh thành chỗ đi picnic cuối tuần cho du khách, với plastic vứt đầy đường vì chủ nghĩa tiêu thụ tràn lan. Trước đó, khi nó vẫn còn chính yếu là nơi ẩn cư cho đạo sĩ, bạn có thể có được sự cô tịch ngay cả trong mùa hành hương, khi nhiều người đển thăm các nơi Badri, Kedar, Gangotri và Yamunotri.
Hang mà tôi nói tới nằm ở góc hẻo lánh trên bờ sông là chỗ lý tưởng cho ai thật lòng tu tập. Bạn vẫn còn thấy được chúng. Lần chót tới đây vừa rồi, tôi thấy một hang được quét vôi trắng, gắn cửa sắt mầu xanh lục có một cựu quân nhân ở, bảo tôi rằng ông đã chán với đời.
Babaji (Thầy) và tôi lúc ở lúc không tại hang này. Thói quen của chúng tôi là buổi chiều đi thuyền qua bờ bên kia, ngồi ở bãi gần một nhà nhỏ của hội Divine Life Society, và nói nhiều chuyện cho tới khi lên đèn và có hành lễ trên sông.
Babaji không thích được chụp hình. Thực vậy, biết tôi thích vẽ, Thầy cấm tôi không được vẽ hay họa hình của ngài. Dù bị cấm, tôi vẫn chống và nghĩ bằng cách nào đó sẽ có hình chụp của Thầy, dù ngài không muốn. Tôi chưa hiểu thật sự là nếu ngài không muốn điều gì xẩy ra thì nó sẽ không xẩy ra, bất kể vì ngu dốt hay khờ dại mà tôi rất muốn nó xẩy ra.
Thế thì tôi kín đáo sắp đặt cho một nhiếp ảnh viên tới bãi, nơi Babaji và tôi sẽ thiền hay trò chuyện. Tôi làm quen với một người như thể, mấy ngày trước chúng tôi thỏa thuận là một hôm anh sẽ đến bãi khoảng 5 giờ chiều, giả vờ là người lạ, du khách, tình cờ chụp hình Babaji rồi lặng lẽ chuồn đi. Anh cũng như tôi hăm hở muốn có hình Babaji và xem đó là một thử thách.
Chiều hôm ấy, nỗi lo duy nhất của tôi là Thầy hủy cuộc đi. Nhưng không, ngài nói, ‘Madhu, ta sang bờ bên kia và ra bãi, chỗ con thích ngồi’. Chúng tôi ngồi ở bậc nhìn ra sông và Babaji nói về Rishikesh thuở xưa, lúc chưa có mấy ashram lớn, trừ Swarg Ashram.
‘Swami Sivananda lúc đó chưa lập hội, còn ở trong căn nhà nhỏ, bên kia bờ, thuộc Swarg Ashram. Người ta gọi ngài là ‘Doctor Swami’, vì ngài chữa cho các đạo sĩ’.
Tôi hỏi Thầy đôi chuyện, ngài trả lời rồi cuộc chuyện trò lan sang việc riêng về tu tập. Tôi dần thấy bồn chồn, lo lắng vì không thấy bóng dáng Rawat, người chụp hình. Một giờ trôi qua mà anh vẫn biệt tăm. Sau cùng, Babaji nhìn vào mắt tôi và nói tỉnh queo, ‘Madhu, đừng nóng lòng chờ đợi nữa, anh bạn chụp hình của con sẽ không tới đâul’
Tôi kinh ngạc, ‘Babaji, con xin lỗi. Con không phạm lỗi nữa đâu. Thầy biết ý của con trước khi con suy nghĩ. Xin tha lỗi cho con… con … con…’ Tôi òa ra khóc.
Babaji vỗ lưng tôi. ‘Được rồi,’ngài nói,’bình tĩnh lại đi. Tội chẳng lớn lao gì và con học được bài học. Nào, ta đi về trước khi trời tối hẳn.’
Chẳng mấy chốc chúng tôi ngồi trước hang nhìn ra sông Hằng. Trời chiều làm bầu trời có mầu hồng xinh đẹp. ‘Chà,’ Babaji nói, ‘Con tưởng anh bạn chụp hình của con có thể chụp mà không có sự đồng ý của ta hay sao ? Không, và ta sẽ giải thích vì sao. Nhìn ta đây.’
Tôi ngưng nhìn nước đang trôi và hướng về phía ngài.
‘Ồ,’ tôi kêu lớn, ngạc nhiên với điều mình thấy. Thay vì thấy thân hình ngài, tất cả những gì tôi có thể thấy là bóng dáng xám, đục mờ. Giọng Babaji nay vang ra từ đường nét mờ ảo đó và tiếp tục. ‘Con thấy vật bằng cách nào ? Ánh sáng đến một vật và tia phản chiếu đi tới mắt con tạo ra hình. Máy ảnh cũng thế. Ánh sáng phản chiếu qua thấu kính trong máy và hình ảnh tạo ra trên phim. Nào, nếu ta biết cách ngăn không cho tia sáng phản chiếu và thay vào đó, làm cơ thể hấp thu ánh sáng thì sao ? Cái trí mạnh mẽ được làm tĩnh lặng trong Đại Ngã, nguồn cội tâm thức của ta, có thể điều khiển các tia sáng, giữ chúng lại không cho đi trở ra. Khi ấy con sẽ chỉ thấy đường nét xám, mờ đục mà không phải thân hình quen thuộc. Nếu ở chỗ mờ tối, con càng không thấy cả đường nét. Ấy chính là điều ta đang làm đây. Không để các tia sáng phản chiếu. Máy sẽ không chụp được hình nếu ta muốn vậy.’
Tôi nói, ‘Con hiểu lắm, Babaji, xin Thầy trở lại dạng mà con yêu thích nhìn.’
Lập tức ngài trở lại thân hình thường lệ. ‘Vậy,’ tôi hỏi, ‘đây là cách nhà yogi biến mất ư ?’
‘Nhiều phần là vậy,’ Babaji đáp, ‘nhưng còn một cách nữa, khi người ta thực sự làm phân rã tạm thời các hạt tiên khởi của xác thân, nhưng chỉ nhà yogi tài giỏi nhất mới có thể làm.’
‘Xin Babaji giải thích được chăng ?’
‘Những hạt tiên khởi gọi là quarks tạo nên vật chất trơ lẫn vật chất linh hoạt. Khoa vật lý lượng tử đã bác bỏ sự tuyệt đối chắc chắn của vật lý Newton, nay đối đầu với điều bí ẩn là Nguyên lý Bất Định. Chất liệu tiên khởi tạo nên vật chất này không thể được xác định chắc chắn là hạt hay là sóng. Chuyện lạ là khi quan sát, chúng có khuynh hướng chuyển từ hạt sang sóng, và ngược lại. Khi chúng được thấy là xử sự như hạt, đột nhiên chúng lại xử sự như sóng. Có vật lý gia còn đưa giả thuyết là cách xử sự của chúng tùy thuộc vào người quan sát.
‘Dầu vậy, bậc tiến hóa nói rằng tâm thức là cái tâm tiên khởi của mọi sự hiện hữu, và ở mức thâm sâu nhất nó có thể thay đổi hạt thành sóng hay sóng thành hạt theo ý muốn. Cái trí tuyệt đối lặng lẽ mà Phật giáo gọi là trí trống không, ứng với cái tâm của mọi sự hiện hữu này. Khi nhà yogi ở trong trạng thái đó, họ có thể biến hạt trong thân xác mình thành sóng, trở thành vô hình với mắt phàm; lúc đó họ có thể đi tới nơi khác và trở lại dạng hữu hình.
‘Làm vậy không dễ, và chỉ bậc cao cả như Thầy của ta mới có thể làm được việc phân rã và tái hợp này. Nói giản dị thì đó là việc làm thể xác rã thành các phần tiên khởi, và tụ chúng lại theo ý mình để có hình thể như trước. Đó không phải là trò của ảo thuật gia trình diễn, dùng các luật quang học để mà mắt người.’
‘Babaji, con học làm vậy được không ?’
Babaji phá ra cười, ‘Con còn phải học nhiều lắm. Tập yoga đi rồi tham thiền kẻo đói bụng tới nơi.’ Chúng tôi ngồi với nhau, vẫn nhìn ra sông, và thiền mê mải cho đến khi đêm tối phủ xuống, nhưng chúng tôi chìm đắm vào ánh sáng nội tâm đầy an lạc và làm sáng tỏ con người.
Hai ngày sau, tôi đi tìm anh bạn Rawat, người chụp hình để coi chuyện gì đã xẩy ra. Rawat kể. ‘Tôi nghĩ Guru của anh ngăn không cho tôi đến. Tôi đi xe bus đúng giờ ở Dehradun, tới nửa đường xe nổ bánh trước. Tôi phải chờ xe khác, nửa giờ trên chuyến thứ hai thì có tiếng lạt sạt, tài xế nói phải ngừng vì hộp số hay gì đó trục trặc.
‘Lúc đó trễ rồi, nhưng tôi kêu được taxi đi tiếp. Anh tin không, một lát bánh sau bị nổ ! Khi ấy trời đã tối nên tôi bỏ cuộc đi về. Hôm sau tôi trở lại và mọi chuyện êm xuôi. Tôi sẵn lòng thử lần nữa.’
‘Thôi dẹp’, tôi nói, ‘không được đâu.’
Tôi bỏ ý định chụp hình Babaji và tự nhủ là ngày kia sẽ vẽ hay họa hình Thầy, nhưng một hôm ngài nói, ‘Con không được vẽ hay họa hình ta.’ Thế là xong, nhưng nhiều năm sau khi Babaji qua đời, một lần nữa tôi ráng vẽ lại hình ngài.
Khi ấy tôi sống gần như độc thân tại Madanapalle, vì vợ và con tôi ở Rishi Valley nơi cô dạy học. Buổi sáng kia tôi nghĩ nên thử vẽ hình Thầy lần nữa, biện minh với lòng rằng lệnh cấm vẽ của ngài đưa ra từ nhiều năm trước, nay có thể hết hạn rồi. Với lại nếu ngài không muốn thì chuyện sẽ không thành, tôi làm thử chẳng sao hết. Babaji hay trích lời đức Jesus là ‘Luật làm ra vì người mà không phải người được tạo ra cho luật’, không chừng ngài sẽ chấp thuận nỗi ước ao sâu đậm của tôi muốn cho thân hữu thấy hình ngài, Vị tôi thường nói đến rất nồng nhiệt.
Thế nên vào một sáng mùa hè, tôi đặt tờ giấy trắng lên giá vẽ, đem cọ ra và với vài nét ít oi, vẽ hình ngài khá đẹp bằng mực đen. Xong hết thì là đúng ngọ, Tôi để giá vẽ dựa tường ở hàng hiên trống lổng cho giấy khô, còn mình vào nhà ăn trưa. Tôi thật hài lòng và vui với tác phẩm của mình.
Ăn trưa xong, tôi lên lầu vào phòng ngủ giấc ngắn. Tôi phải cho bạn hay là khi tôi đi ngủ, trời rất trong và xanh, không một gợn mây. Hẳn tôi đã ngủ khoảng một giờ, khi có tiếng sấm to làm thức giấc tôi tưởng đang nằm mơ, vì trời không bao giờ mưa ở Madanapalle vào tháng năm, mà nó đang mưa như trút.
Lúc đó tôi chợt nhớ bức vẽ để ngoài hàng hiên, tôi hộc tốc chạy xuống thang, ra ngoài và thất vọng não nề ! Nước mưa cuốn trôi hình vẽ, chỉ còn lại đường nét đậm nhạt không đều và giấy thì ướt nhẹp. Chẳng làm gì được nữa, bức vẽ thế là tiêu.
Mưa ngưng sau mười phút, mây tan và trời xanh như cũ. Khi ấy tôi biết lệnh cấm vẽ hay họa hình Thầy vẫn còn, và có điên mới thử nữa, cho tới nhiều năm sau lúc tôi viết tự thuật của mình.
Khi viết xong tự thuật, tôi tự hỏi phải làm gì với điều mà ngay trước khi qua đời Babaji ra lệnh tôi chỉ ‘làm vào đúng lúc’. Không có hình Thầy trong sách thì không công bằng với độc giả. Tôi chờ có dấu hiệu, giấc mơ, linh ảnh hay gì đó cho phép vẽ. Không có chi đến và bởi luôn là kẻ nổi loạn, tôi quyết định thử lần nữa.
Một buổi sáng tôi ngồi trong phòng làm việc và phác họa sơ bằng bút chì hình Babaji. Coi được nhưng tôi chưa hài lòng. Hôm sau tôi đến trường Peepal Grove do tổ chức Satsang lập. Tôi giao bức phác thảo cho giáo sư họa là thầy Sharat nhờ ông hoàn chỉnh, sau khi ông đem nó vào laptop.
Sau nhiều sửa chữa và thay đổi tới lui, bản vẽ chót làm tôi hài lòng. Hình được in ra, tôi cất kỹ trong bìa vì nó thiêng liêng đối với tôi. Mỗi ngày tôi nhìn hình để xem chắc là nó không biến mất. Ngay cả khi đưa hình cho nhà in, tôi vẫn thấp thỏm và chỉ thở phào nhẹ người khi cuốn sách đầu tiên có hình ngài.
Với lòng từ vô hạn và có lẽ cũng vì lòng thương yêu độc giả, Babaji đã cho tôi in hình vào sách. Hôm sau ngày sách được phát hành, tôi mơ gặp Thầy sau một thời gian lâu. Ngài mỉm cười và nói, ‘Con làm xong rồi, Mahdu,’ và ngài trôi di tan dần vào đám mây.
Ghi chú.
Năm 1908 ông C.W. Leadbeater và bà Annie Besant ra sách Occult Chemistry, tả một hạt mà hai vị quan sát, gọi đó là hạt nguyên tử vật chất tối cùng ultimate physical atom, nay có khoa học gia cho rằng những hạt mà hai vị mô tả là hạt quarks trong khoa vật lý lượng tử.